1. Chú ý tới giấc ngủ
Giấc ngủ đóng vai trò cực kỳ quan trọng đối với sự phát triển thể chất và não bộ của trẻ. Khi được ngủ đủ giấc, trẻ trở nên tỉnh táo, học tập hiệu quả. Do đó, cha mẹ cần chú ý:
- Cho con đi ngủ sớm, đúng giờ, không thức khuya sau 11h. Thời gian ngủ hợp lý là từ 10h đến 6h sáng.
- Dành thời gian cho con ngủ trưa từ 15-30 phút để buổi chiều học tập hiệu quả.
- Không nên để con ngủ quá nhiều, như vậy sẽ phản tác dụng, khiến trẻ luôn trong tình trạng mệt mỏi, uể oải.
- Nên để con ngủ ở trong phòng yên tĩnh, tránh bị làm phiền.
- Không nên để đèn sáng khi trẻ ngủ bởi sẽ ảnh hưởng đến sự phát triển của tế bào và não bộ.
2. Thời gian học tập
Việc học tập là cần thiết và là việc chính của trẻ trong suốt quãng đời học sinh. Tuy nhiên, không nên đặt áp lực quá lớn khiến trẻ sợ hãi việc học, thậm chí mắc các căn bệnh về não bộ, tinh thần.
Thời gian học của trẻ không nên quá dài. Nên có thời gian để trẻ khám phá thế giới xung quanh và vui chơi thể thao.
Cha mẹ đừng áp con vào ngành nghề nào, hãy quan sát khả năng của trẻ để định hướng cho con ngôi trường hoặc công việc phù hợp thay vì chọn trường khó để lấy danh tiếng.
3. Chế độ dinh dưỡng
Chế độ dinh dưỡng ảnh hưởng đến nhiều vấn đề ở trẻ. Chế độ dinh dưỡng không hợp lý có thể gây ra các vấn đề như: béo phì, thấp còi, dậy thì sớm, các bệnh về tim mạch,...
Do đó, cha mẹ cần lưu ý:
- Nên cho con ăn đa dạng thực phẩm, không nên chỉ ăn thịt hoặc ăn các món theo sở thích.
- Bổ sung vitamin và chất xơ để hỗ trợ tiêu hóa, giảm các bệnh về đường ruột, đại tràng.
- Hạn chế đồ ăn chiên rán, nhiều tinh bột, dầu mỡ để tránh nguy cơ béo phì, thừa cân.
- Hạn chế ăn đồ ăn không rõ nguồn gốc, hàng quán vỉa hè, các loại đồ uống nhiều chất tạo ngọt như nước ngọt, trà sữa,... hạn chế nguy cơ tiểu đường.
4. Lựa chọn trò chơi hợp lý
Vui chơi giải trí là một phần không thể thiếu trong chế độ sinh hoạt của trẻ. Sau những giờ học tập căng thẳng, giải trí sẽ giúp tinh thần trẻ được thoải mái, não bộ được nghỉ ngơi.
- Cha mẹ nên lựa chọn các chương trình truyền hình vừa mang tính giải trí vừa cung cấp kiến thức cho trẻ như: khám phá thế giới, các kênh dành riêng cho thiếu nhi, các bộ phim tài liệu về văn hóa xã hội,...
- Các trò chơi tư duy như: cờ vua, cờ tướng, sodoku, lắp ghép, giải đố,... nên được ưu tiên.
- Quy định thời gian chơi rõ ràng, cha mẹ phải kiểm soát những gì con chơi, kịp thời rèn con vào nề nếp, quy củ.
5. Tích cực giao lưu
Giao lưu với mọi người thay vì ở nhà một mình sẽ giúp trẻ phát triển kỹ năng giao tiếp, sự tự tin trước đám đông. Hơn nữa, việc giao lưu còn giúp trẻ mở rộng thêm kiến thức không kém gì việc học trên ghế nhà trường.
Cha mẹ nên dành thời gian cùng con đi chơi, đến nhà bạn bè, họ hàng, người thân,... Cuối tuần thường có nhiều sự kiện được tổ chức, cha mẹ nên đăng ký cho con cùng tham gia.
6. Vệ sinh cá nhân sạch sẽ
Trẻ thường chưa ý thức được hết những tác hại của việc vệ sinh cá nhân, do đó còn chủ quan và lười. Vì vậy, cha mẹ cần phải nhắc nhở việc vệ sinh cá nhân của con:
- Đánh răng ít nhất 2 lần 1 ngày để không bị sâu răng, hỏng mẹn răng, viêm lợi, viêm chân răng,...
- Vệ sinh sạch sẽ vùng kín để tránh viêm nhiễm, cha mẹ cũng cần hướng dẫn để con vệ sinh đúng cách.
- Vệ sinh tai, mũi, họng để tránh các bệnh về hô hấp.
- Vệ sinh móng tay, chân, cắt sạch sẽ để tránh mắc bệnh giun sán.
- Cần thay quần áo, đồ lót, tất thường xuyên để tránh các bệnh về da liễu.
7. Dành thời gian đọc sách
Sách là kho tàng tri thức của nhân loại. Đọc sách không chỉ giúp nâng cao kiến thức mà còn giúp trẻ rèn được tính kiên nhẫn, rèn khả năng tư duy lại giúp trẻ không có thời gian thừa để nghĩ tới trò chơi điện tử không lành mạnh. Mỗi ngày, con nên dành thời gian ít nhất 30 phút để đọc sách.
Lựa chọn sách cũng rất quan trọng. Cha mẹ nên là người tìm hiểu nội dung sách, nếu có thời gian thì đọc trước để kiểm duyệt, lựa chọn cho con những cuốn sách bổ ích, phù hợp.
8. Đừng để con cảm thấy cô đơn
Sự phát triển, trưởng thành của con luôn cần có sự đồng hành của cha mẹ. Dù bận bịu đến đâu, cha mẹ cũng đừng để con một mình. Sự cô đơn, thiếu tình cảm có thể ảnh hưởng đến tâm hồn, tinh thần của trẻ.
Rất nhiều cha mẹ vì quá bận mà phó mặc trẻ tự xoay sở với cuộc sống, hoặc phó mặc cho người giúp việc, hoặc phó mặc cho nhà trường. Khi không có người định hướng và uốn nắn, trẻ rất dễ sai lầm.
Để nuôi dạy được một đứa trẻ cần rất nhiều tâm huyết và cố gắng. Nếu được chuẩn bị tốt từ những điều nhỏ nhất, trẻ sẽ có điều kiện để phát triển một cách hoàn thiện hơn.